Sự bùng nổ của khách sạn quốc tế tại Việt Nam

Sự bùng nổ của khách sạn quốc tế tại Việt Nam

Thị trường khách sạn Việt Nam dự báo bùng nổ với 5,88 tỷ USD năm 2025, nhờ M&A và nhu cầu du lịch tăng, nâng tầm hội nhập quốc tế. Chiến lược mở rộng thông qua M&A Hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) đang trở thành công cụ phổ biến để các thương […]

Thị trường khách sạn Việt Nam dự báo bùng nổ với 5,88 tỷ USD năm 2025, nhờ M&A và nhu cầu du lịch tăng, nâng tầm hội nhập quốc tế.

Dự báo quy mô thị trường ngành khách sạn tại Việt Nam sẽ chạm mốc 5,88 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh: TL

Chiến lược mở rộng thông qua M&A

Hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) đang trở thành công cụ phổ biến để các thương hiệu khách sạn quốc tế gia tăng hiện diện tại Việt Nam.

Vào tháng 1/2024, The Ascott Limited hợp tác với Sun Group trong dự án Oakwood Ha Long, đánh dấu khu nghỉ dưỡng thứ hai giữa hai bên, đưa tổng số dự án do Ascott quản lý tại Việt Nam lên con số 17. Trong khi đó, Accor Group bổ sung Sofitel Diamond Crown Hai Phong vào danh mục quản lý cuối năm 2024 và dự kiến khai trương Pullman Hai Phong Grand Hotel vào đầu năm 2025.

Cùng thời điểm, Marriott International đưa Four Points by Sheraton Hà Giang vào danh sách khách sạn do họ quản lý cho Vinpearl. Đây là một phần của thỏa thuận hợp tác từ giữa năm 2022, nhằm nâng cấp và phát triển 8 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với tổng cộng gần 2.200 phòng.

Tăng trưởng thị trường và cơ hội

Theo báo cáo của Mordor Intelligence, thị trường dịch vụ khách sạn tại Việt Nam được dự đoán đạt 5,88 tỷ USD vào năm 2025 và tăng vọt lên 11,29 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (CAGR) là 13,94%.

Wolfgramm Capital cho biết, khoảng 50-60% khách sạn dịch vụ hạn chế được tự vận hành, nhưng các khách sạn 5 sao cần sự quản lý chuyên nghiệp từ các công ty quốc tế. “Một nhà điều hành có thể nhận được phí quản lý khoảng 3% trên tổng doanh thu phòng, tạo động lực để tối ưu hóa doanh thu,” đại diện Wolfgramm Capital giải thích.

Sự tăng trưởng của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam đi đôi với sự bùng nổ của ngành du lịch trong và ngoài nước. Các tên tuổi lớn như Vinpearl, Muong Thanh Hospitality, Accor Hotels, InterContinental Hotels Group, và Marriott International đang thống lĩnh thị trường, bên cạnh nhiều thương hiệu khác.

Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, nhận định: “Sự gia tăng của các đơn vị vận hành khách sạn quốc tế tại Việt Nam phản ánh khả năng tiếp cận và mức độ hội nhập toàn cầu của Việt Nam được cải thiện rõ rệt qua các năm – một xu thế sẽ còn tiếp tục.” Sự hiện diện của các thương hiệu quốc tế không chỉ mang lại nhiều lựa chọn lưu trú mà còn góp phần nâng tầm Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, đồng thời kích thích nhu cầu du lịch nội địa và quốc tế.

Tuy nhiên, để duy trì sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài và đảm bảo hiệu quả vận hành, Việt Nam cần cải thiện nhiều khía cạnh trong phát triển du lịch, bao gồm xây dựng chiến lược thương hiệu du lịch quốc gia, nâng cấp hạ tầng giải trí, và cải thiện chất lượng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về diện tích phòng, chất lượng dịch vụ, và quy trình vận hành.

Thách thức trong ngành du lịch

khách sạn
Khu căn hộ dịch vụ Somerset West Point Hanoi. Ảnh: Ascott

Thị trường lưu trú và nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ nhu cầu tăng trưởng từ cả khách nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, ông David Cumming, Tổng Quản lý vùng của Ascott tại Việt Nam, Campuchia và Myanmar, chia sẻ: “Tuy nhiên, các nhà đầu tư và nhà vận hành trong ngành du lịch khách sạn cũng đối mặt với không ít thách thức.”

Cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các đơn vị trong và ngoài nước buộc các thương hiệu phải không ngừng cải tiến sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ. Khách hàng hiện nay mong muốn sự kết hợp giữa tiêu chuẩn quốc tế, trải nghiệm cá nhân hóa, và bản sắc văn hóa địa phương. Ngoài ra, các vấn đề như thiếu hụt nhân sự chất lượng cao và áp lực vận hành bền vững cũng đòi hỏi sự giải quyết kịp thời.

Đa dạng hóa để thích nghi

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang cạnh tranh mạnh mẽ, đòi hỏi các bên liên tục thích nghi với những thay đổi từ thị trường. Đặc biệt, sự dịch chuyển của đối tượng khách hàng sang thế hệ Millennials và Gen Z đang định hình lại cách thiết kế, khai thác, và vận hành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Ngay cả các thương hiệu hàng đầu cũng phải làm mới mình để bắt kịp xu hướng.

Thành công trong ngành bất động sản nghỉ dưỡng phụ thuộc vào từng phân khúc. Các khách sạn quy mô nhỏ với mô hình vận hành tinh gọn thường đạt lợi nhuận tốt hơn nhờ chi phí thấp, trong khi các thương hiệu lớn phải đối mặt với chi phí vận hành cao hơn. Khách sạn ven biển chịu ảnh hưởng từ tính thời vụ, trong khi các khách sạn đô thị có hoạt động ổn định hơn.

Ông David Cumming cho biết: “Hoạt động kinh doanh của Ascott tại Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt trong các phân khúc khách nội địa, khách công vụ, và du khách quốc tế cao cấp.” Để đáp ứng nhu cầu đa dạng từ các nhóm khách hàng như gia đình, khách lưu trú dài hạn, hay những người tìm kiếm trải nghiệm văn hóa và chữa lành, Ascott tập trung vào việc đa dạng hóa danh mục thương hiệu.

Tầm quan trọng của cung và cầu

Theo ông David Jackson, cung và cầu là yếu tố cốt lõi định hình triển vọng ngành du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Việc nắm bắt hành vi và sở thích của khách hàng là chìa khóa thành công. Tuy nhiên, các yếu tố như logistics, chi phí, và quy định nhập cảnh có thể là rào cản đối với du khách quốc tế, gây khó khăn trong việc di chuyển.

Quy hoạch du lịch cũng cần được tích hợp vào quy hoạch phát triển đô thị chung. “Hiểu rõ nhu cầu khách hàng và phát triển các sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng tại Việt Nam,” ông Jackson nhấn mạnh.

Khánh Nhi

Nguồn: nhipcaudautu 

 

khanhnhi

Related post