Doanh nghiệp địa ốc bớt “căng” vốn

Doanh nghiệp địa ốc bớt “căng” vốn

(ĐTCK) Bên cạnh cơ chế, chính sách mới dần thẩm thấu, tín dụng ngân hàng rộng cửa hơn…, việc chủ động tái cấu trúc là yếu tố giúp doanh nghiệp địa ốc có nhiều cơ hội tiếp cận các dòng vốn mới hơn. Tăng huy động vốn trên thị trường chứng khoán Bất ngờ chuyển […]

(ĐTCK) Bên cạnh cơ chế, chính sách mới dần thẩm thấu, tín dụng ngân hàng rộng cửa hơn…, việc chủ động tái cấu trúc là yếu tố giúp doanh nghiệp địa ốc có nhiều cơ hội tiếp cận các dòng vốn mới hơn.

Cơ hội huy động vốn rộng mở hơn với chủ đầu tư khi dự án được triển khai
Cơ hội huy động vốn rộng mở hơn với chủ đầu tư khi dự án được triển khai

Tăng huy động vốn trên thị trường chứng khoán

Bất ngờ chuyển từ lãi sang lỗ nặng sau kỳ công bố báo cáo tài chính bán niên 2024 soát xét khi phải thực hiện trích lập dự phòng bắt buộc cho khoản tiền sử dụng đất tại dự án Lakeview City (TP. Thủ Đức, TP.HCM) khiến việc chào bán 1,17 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu nhằm thu về 13.700 tỷ đồng trong quý III/2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland, mã NVL) không thể diễn ra như kế hoạch và phải dời sang thời điểm khác.

Việc điều chỉnh lại kế hoạch chào bán cổ phiếu là điều không hề mong muốn, nhất là trong bối cảnh Novaland đang cần bổ sung nguồn vốn lớn để triển khai các dự án khi những vướng mắc pháp lý đang dần được tháo gỡ.

Tuy vậy, “cánh cửa” không hoàn toàn khép lại với Novaland khi một số thỏa thuận thanh lý tài sản đã được thực hiện gấp rút trong quý III/2024, đồng thời Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết đã đàm phán được thỏa thuận với các ngân hàng cho khoảng 12.000 tỷ đồng vốn bơm thêm trong thời gian tới.

Tương tự, nguồn vốn cũng đang là bài toán khó với Tập đoàn Hưng Thịnh sau cú sốc trái phiếu năm 2022. Ngoài việc phải lùi vô thời hạn kế hoạch IPO công ty con Hưng Thịnh Land, dư nợ trái phiếu lớn càng gây sức ép lên tình hình tài chính của Tập đoàn vốn đã gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sau giai đoạn đẩy mạnh tái cấu trúc, với việc được cấp một số vốn mới từ ngân hàng, đồng thời đàm phán gia hạn thành công nhiều gói trái phiếu và một số dự án được tái khởi động, cơ hội gỡ khó đã mở ra với Hưng Thịnh.

Hồi giữa tháng 9/2024, Hưng Thịnh Incons – một công ty con khác của Tập đoàn đã thông qua kế hoạch chào bán 89,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, qua đó dự kiến thu về 891 tỷ đồng.

Trong đó, một phần được dùng để trả nợ ngân hàng, phần còn lại để thanh toán hợp đồng thi công cho các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó “tháo chốt” cho hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư đang đọng ở các dự án hiện nay.

Với Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (Khang Điền, mã KDH), vào ngày 29/7/2024, doanh nghiệp này đã hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 110,09 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 7.993 tỷ đồng lên 9.094 tỷ đồng như hiện tại.

Theo đó, có 19/20 nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu với giá 27.250 đồng/cổ phiếu, qua đó huy động hơn 3.000 tỷ đồng. Với số tiền huy động được, Khang Điền dự kiến dùng 300 tỷ đồng trả nợ vay và 2.700 tỷ đồng góp thêm vốn vào Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc để công ty này thanh toán các khoản nợ ngân hàng.

Ngoài ra, Khang Điền còn chuẩn bị phát hành gần 91 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 10% (sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 10 cổ phiếu mới), đồng thời phát hành 10,8 triệu cổ phiếu ESOP với giá 17.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Như vậy, nếu cả 2 phương án phát hành thành công, Khang Điền sẽ nâng vốn điều lệ lên từ 9.094 tỷ đồng lên hơn 10.111 tỷ đồng.

Chủ động tái cấu trúc, hướng đến sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản vượt khó
Chủ động tái cấu trúc, hướng đến sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản vượt khó

Giữa tháng 10/2024, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) thông báo điều chỉnh đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu được thực hiện trước đợt phát hành khác.

Mục đích là để ưu tiên tập trung thực hiện việc phát hành theo phương án chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu đã thông qua ngày 26/4/2024 nhằm kịp tiến độ huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh và đầu tư theo đúng mục đích sử dụng vốn.

Trong đợt điều chỉnh mới, DIC Corp sẽ ưu tiên đầu tư dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques (CSJ) giai đoạn 2 và 3 với số vốn 1.135 tỷ đồng; tiếp đó là đầu tư dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh với số vốn 1.426 tỷ đồng; còn lại 439 tỷ đồng dùng để trả nợ trái phiếu đến hạn (trái phiếu mã DIGH2124003, đáo hạn ngày 26/11/2024).

Áp lực sẽ vơi dần

Số liệu thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, từ ngày 4/10 đến cuối năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là 78.878 tỷ đồng.

Trong đó, 43,5% giá trị trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 34.317 tỷ đồng. Giới phân tích cho rằng, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn ở mức cao sẽ buộc nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục tái phát hành để huy động vốn trong quý cuối năm nay.

Trong báo cáo mới đây, VIS Rating đánh giá, nhìn chung, khả năng tiếp cận nguồn vốn mới của các doanh nghiệp địa ốc đã được cải thiện trong năm 2024, nhờ sự gia tăng các khoản tín dụng ngân hàng cho hoạt động kinh doanh bất động sản và việc phát hành cổ phiếu tăng gấp đôi so với năm trước.

Ngoài ra, nỗ lực đạt được các thỏa thuận hoán đổi, gia hạn nợ cũng như quay vòng vốn cũng giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực triển khai các dự án, sớm đưa sản phẩm ra thị trường, qua đó thu được dòng tiền về.

Chẳng hạn, đầu tháng 10/2024, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (mã AGG) thông báo sẽ phát hành hơn 6,1 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 3,92% số cổ phiếu đang lưu hành.

An Gia cũng công bố nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án chào bán 40,6 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Với nguồn vốn mới từ hoạt động phát hành cổ phiếu, ngoài chi trả nợ vay ngân hàng, An Gia dự kiến đầu tư vào công ty con là Công ty cổ phần Tư vấn AGI & HSR và Công ty TNHH Western City.

Với Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Taseco (Taseco Land, mã TAL), sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng 2 lô đất tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) dự kiến thu về hơn 1.200 tỷ đồng, doanh nghiệp này lên kế hoạch chào bán 14,85 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo tỷ lệ 20:1.

Ban lãnh đạo Taseco Land cho biết, nguồn tiền mới thu về sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn đầu tư dự án Khu công nghiệp Taseco Đồng Văn 3 nằm ở phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình.

Theo các chuyên gia, trên thị trường chứng khoán, dòng tiền dù có dấu hiệu quay trở lại với nhóm cổ phiếu bất động sản nhưng chưa thực sự mạnh mẽ để tạo một sóng tăng rõ nét, cho thấy cơ hội đầu tư vào cổ phiếu địa ốc sẽ phân hóa.

Do đó, trong thời gian tới, chỉ những doanh nghiệp có năng lực triển khai dự án cũng như bán hàng tốt, sản phẩm đầy đủ pháp lý… mới có khả năng thu hút được các nguồn vốn mới.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn – Trang Ninh

khanh

Related post